October 09, 2020
Bắt đầu với máy in thời gian vào/ra lên giấy cho các hệ thống chấm công thủ công, cùng với sự phát triển của ngành công nghệ máy tính, các máy chấm công sử dụng bộ nhớ và microchip đã được thiết kế và ứng dụng thực tiễn. Theo Wikipedia, CipherLab là nhà sản xuất đầu tiên đưa dòng máy chấm công microchip và bộ nhớ ra thương mại vào năm 1989.
CipherLab 5100, một trong những dòng máy bền bĩ nhất mà chúng tôi đã làm, tất cả các máy đã lắp đặt đều hoạt động ổn định trên 5 năm, máy lâu nhất là 7 năm cho đến hôm nay
Về lý thuyết tất cả các thiết bị có khả năng ghi nhận thời gian vào/ra đều có thể sử dụng làm máy chấm công tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm làm hệ thống chấm công chúng tôi có một số tiêu chí sau
- Đúng giờ: một máy chấm công ghi nhận thời gian vào/ra chính xác trước hết phải có đồng hồ chạy đúng và có cơ chế cập nhật thời gian định kỳ từ hệ thống mạng/máy tính. Đến lượt các máy tính cập nhật thời gian của mình từ các Internet Time Server
- Màn hình hiển thị: Màn hình hiển thị thời gian khi chấm công giúp người sử dụng có thể nắm bắt phần nào về thời gian chấm công của mình, giảm thiểu tình trạng khiếu nại do chênh lệch thời gian giữa thiết bị với đồng hồ cá nhân cũng như giúp người quản lý phát hiện nhanh chóng các sai sót về thời gian trên hệ thống
- Hiển thị thông tin người sử dụng trên màn hình: Khi chấm công người sử dụng có thể thấy được mã nhân viên, họ và tên của họ hiển thị trên màn hình, giúp họ yên tâm hơn cũng như phát hiện ngay các sai sót trong quá trình nhập liệu. Lỗi nhập liệu nhầm giữa 2 người sử dụng là lỗi phổ biến và khó tìm ra nguyên nhân trong hệ thống chấm công khi người này lại sử dụng thẻ của người khác và ngược lại.
Soyal AR-829E một trong nhưng dòng máy đọc thẻ thiết kế chuyên dụng cho các hệ thống chấm công. Khả năng hoạt động bền bỉ theo thời gian với hơn 90% thiết bị vẫn hoạt động tốt sau 5 năm.
- Công nghệ nhận dạng: hiện nay có một số công nghệ nhận người chấm công phổ biến như thẻ, nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt. Lựa chọn công nghệ là bước đầu tiên nhưng cực kỳ quan trọng ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của hệ thống cũng như ngân sách đầu tư. Thẻ hay vân tay hay khuôn mặt đều có ưu nhược điểm của nó, sử dụng công nghệ nào tùy thuộc vào ngân sách đầu tư, ngành nghề hoạt động cũng như kinh nghiệm của tư vấn viên.
- Lưu lượng chấm công: Mỗi thiết bị chấm công có lưu lượng khác nhau tùy theo công nghệ sử dụng, chất lượng thiết bị. Lưu lượng chấm công cần được tính toán chính xác để giải phóng lượng người sử dụng trong khoảng thời gian cho phép. Khi tư vấn chúng tôi luôn luôn tư vấn khách hàng về thông số này để có thiết kế hoàn chỉnh về hệ thống, ước lượng chính xác thời gian giải phóng hết người sử dụng.
Virdi AC4000 dòng máy chấm công vân tay tin cậy và bền bĩ, được sử dụng phổ biến nhiều công trình
- Khả năng lưu trữ user: khả năng lưu trữ user được chọn gấp đôi số lượng người thực tế để đảm bảo tốc độ chấm công (càng nhiều người sử dụng lưu trữ trên bộ nhớ, tốc độ chấm công càng chậm)
- Khả năng lưu trữ dữ liệu chấm công – transaction/event: thông số này càng nhiều càng tốt và phải đảm bảo tối thiểu lưu trữ được 2 tuần trong trường hợp có sự cố về kết nối.
- Phương thức kết nối về phần mềm: Hiện nay chủ yếu có 2 loại kết nối - phần mềm chủ động và phần mềm bị động. Đối với các hệ thống tập trung, các máy chấm công và phần mềm nằm chung hệ thống mạng thì yếu tố này không quan trọng, tuy nhiên đối với hệ thống chấm công phân tán nhiều chi nhánh thì lựa chọn đúng thiết bị cùng với phương thức kết nối sẽ giúp hệ thống chạy ổn định và tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành.
- Đường truyền: đa số các thiết bị chấm công ngày nay đều hỗ trợ đường truyền kết nối Ethernet giúp đơn giản hóa quá trình thi công cũng như tiết kiệm chi phí dây dẫn. Tuy nhiên một số trường hợp không có sẵn hệ thống mạng tại nơi lắp đặt thì 1 đường RS485 với khoảng cách tối đa 1200m cũng giúp tiết kiệm chi phí đáng kể mà cũng đạt được tốc độ tương đương, độ ổn định tốt hơn vì cấu trúc kết nối đơn giản không phụ thuộc vào các thiết bị mạng, không chia sẽ đường truyền với các máy tính khác trong cùng hệ thống mạng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một hệ thống kết nối bằng RS485 có độ ổn định tốt hơn nhiều một hệ thống kết nối qua mạng Ethernet không được bảo trì thường xuyên.
- Khả năng hoạt động độc lập: Không bị ảnh hưởng khi mất điện cũng như mất kết nối về phần mềm nhằm đảm bảo khả năng hoạt động đảm bảo thời gian chấm công khi xảy ra sự cố về nguồn điện cũng như kết nối về phần mềm.